Cây mộc hương, hay còn gọi là cây quế hoa, có tên khoa học là Osmanthus Fragrans. Cây thuộc vùng châu Á, xuất hiện nhiều ở dãy núi Himalaya và một vài quốc gia như Trung Quốc, Đài Loan. Hiện nay được trồng rất nhiều tại Việt Nam.
Cây mộc hương có rất nhiều ý nghĩa trong phong thủy cũng như đông y nên thường được bán với giá rất cao, đặc biệt đối với các cây trồng lâu năm có thể lên đến hàng tỷ đồng.
Cây có thân gỗ nhỏ, chiều cao từ 3 - 12m, các cành của cây mọc nhiều và tỏa rộng ra xung quanh. Lá cây dày, có hình bầu dục và răng cưa, màu xanh thẫm và có đường gân lớn.
Cây mộc hương có hoa nở rất thơm và nở quanh năm, đặc biệt vào mùa thu là thời điểm nở hoa rực rỡ, tỏa ra mùi thơm ngây ngất quyến rũ lòng người. Hoa mọc thành từng chùm và có nhiều màu sắc như trắng, vàng nhẹ. Cây mộc hương ra rất ít quả, thường nở vào mùa xuân và có kích thước nhỏ, màu xanh lục và có hạt.
Vì mộc hương tại Việt Nam là loại cây quý với giá thành cao nên để tạo cơ hội cho những ai muốn sở hữu 1 chậu mộc hương với giá cả hợp lý để trong nhà, thị trường đã xuất hiện loại mộc hương Trung Quốc - hay còn gọi là mộc hương Tàu. Giá trị giữa 2 loại chênh lệch nhiều và rất khó phân biệt “thật giả lẫn lộn”, Bách hóa XANH giới thiệu 1 vài cách để bạn có thể phân biệt như sau:
Lá của cây mộc hương ta có kích thước dày hơn, viền lá có xuất hiện răng cưa, vân lá hiện rõ và nhìn thấy bằng mắt thường. Hoa mọc đều và xum xuê. Thân cây có nhiều vết nứt và đốm sẫm, hiện rõ sự cằn cỗi trên thân.
Lá của cây có kích thước mỏng, to và tròn hơn, viền lá không có răng cưa, vân lá ít hiện rõ. Hoa của cây mọc không đều và ít sai hoa. Thân cây láng mịn, ít xuất hiện các vết nứt, đốm sẫm màu.
Vẻ bề ngoài mộc mạc của cây mộc hương không được rạng rỡ như những loài cây khác nhưng bên trong lại tỏa hương thơm mang một vẻ đẹp chất phác rất riêng của loài cây bình dị. Các gam màu nhẹ nhàng của hoa với hương thơm nồng nàn đã đi vào câu nói của dân gian “Sắc trà hương mộc” đã thành nét văn hóa của người Việt ta, với hình ảnh người Việt cần cù và mộc mạc, không bóng bẩy.
Trồng cây mộc hương trong nhà sẽ thúc đẩy may mắn, tài lộc đến cho gia chủ của mọi bản mệnh trong ngũ hành. Tuy nhiên, màu sắc của hoa mộc hương có màu vàng, trắng sẽ đặc biệt phù hợp với màu sắc của mệnh Kim.
Cây mộc hương sẽ thúc đẩy may mắn đến với mệnh Kim thuộc những năm tuổi sau: Nhâm Thân (1932, 1992), Quý Dậu (1933, 1993), Canh Thìn (1940, 2000), Tân Tỵ (1941, 2001), Giáp Ngọ (1954, 2014), Ất Mùi (1955, 2015), Nhâm Dần (1962), Quý Mão (1963), Canh Tuất (1970), Tân Hợi (1971), Giáp Tý (1984), Ất Sửu (1985).
Cây mộc hương dễ trồng và có tác dụng thanh lọc bụi bẩn, do đó ngày càng có nhiều người đặt mua cây với nhiều kích thước phù hợp với nhu cầu để trong gia đình, mang đến vẻ đẹp và hương thơm cho ngôi nhà của mình.
Thân của cây dễ uốn nắn và tạo hình cũng như có tuổi thọ dài nên nhiều người đã mua về để làm cây bonsai, vừa tạo nên cảnh quan đẹp mắt mà còn là thú vui của nhiều nghệ nhân của bộ môn nghệ thuật này.
Hoa mộc hương có mùi thơm nhẹ nhàng nên từ xưa đến nay được nhiều người sử dụng để pha trà. Hoa được ướp với lá trà trong các ấm trà để thưởng thức. Trà mộc hương còn có tác dụng tuần hoàn máu, điều hòa huyết áp rất tốt tương tự như lá chè xanh.
Trong đông y, cây mộc hương là loại thuốc quý vì các thành phần của cây có thể chế tạo thành các bài thuốc trị nhiều bệnh khác nhau. Hoa mộc hương có vị cay, nóng nên được chế tạo thành thuốc chữa đau bụng, thuốc từ rễ cây có thể trị đau xương khớp, phong thấp. Quả từ cây mộc hương dùng để chữa các bệnh về gan, dạ dày.
Sử dụng hoa mộc hương để chế tạo thành các sản phẩm chăm sóc cơ thể từ tự nhiên như dầu gội, dầu xả hay nước hoa giúp chị em có được vẻ ngoài rạng ngời và mùi thơm nhẹ nhàng.
Cây mộc hương là loại cây dễ trồng và không kén đất. Cây có thể được trồng bằng nhiều phương pháp, có thể gieo hạt hoặc chiết cành nhưng chiết cành là phương pháp được nhiều người sử dụng vì có thể rút ngắn được thời gian trồng. Nếu bạn chọn phương pháp gieo hạt, nên mua những hạt giống chất lượng để cây trồng sinh trưởng khỏe mạnh.
Đầu tiên phải chọn những cành con khỏe mạnh, không bị sâu bệnh. Cây mộc hương không kén đất trồng nhưng nên chọn đất có phần thịt dày, tơi xốp và có khả năng thoát nước tốt. Ngoài ra, nên ủ đất với phân chuồng, xơ dừa hay vỏ trấu để đất có thêm nhiều chất dinh dưỡng hơn.
Tiếp theo, tại khu vực đất có bóng mát đào 1 hố đất sâu từ 15 - 20 cm và đặt cành đã được chiết, đặt ổn định và vun đất chặt để cây không bị ngã. Tươi nước cho cây thường xuyên để cây được phát triển. Sau 1 tháng, bạn có thể đổi chậu hoặc trồng bất kỳ nơi nào bạn muốn khi cây con bắt đầu xuất hiện rễ.
Tưới nước: Cây mộc hương là loại cây ưa nước nên phải thường xuyên tưới nước cho cây, 1 ngày nên tưới cây 2 lần vào buổi sáng sớm và chiều tối để cây có thể phát triển tốt nhất. Tuy nhiên, không nên tưới lượng nước quá nhiều trong 1 lần tưới vì có thể làm cây bị úng nước.
Ánh sáng: Nên trồng cây tại nơi có ánh sáng tự nhiên nhưng không quá gắt, ánh nắng trực tiếp từ mặt trời có thể làm khô và dễ mất nước của cây. Nhiệt độ phát triển tốt nhất của cây từ 18 đến 25 độ C.
Phân bón: Để cây phát triển tốt và ra hoa thường xuyên, định kỳ bón phân hàng năm tùy theo tình trạng của cây. Nên bón các loại phân có chứa NPK để cây được hấp thụ các chất dinh dưỡng.
Phun thuốc trừ sâu: Cây mộc hương rất dễ bị các loài côn trùng xâm nhập và làm hư hại đến cây nên cần phải để ý sâu bệnh của cây để tiến hành phun thuốc diệt trừ sâu. Tuy nhiên, không nên phun quá nhiều thuốc trừ sâu vì sẽ ảnh hưởng đến mùi hương của hoa. Bên cạnh đó, để ý và cắt tỉa các cành bị héo hoặc khô thường xuyên để cây có thể sinh trưởng xum xuê.
Cây mộc hương là loài cây quý có nhiều công dụng nên giá không phải rẻ, các cây con giống có giá vài trăm nghìn đồng. Đối với các cây có tuổi thọ và kích thước càng lớn, giá sẽ dao động từ vài triệu đến vài trăm triệu. Đặc biệt đối với cây mộc hương cổ thụ, giá của cây có thể lên đến hàng tỷ đồng.
Trên đây là một vài thông tin về cách trồng, chăm sóc và ý nghĩa của cây mộc hương. Hy vọng nhiều may mắn đến với bạn khi trồng loài cây ý nghĩa này nhé.